Cổng thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa BRVT - Ba Ria Vung Tau SME
Diễn đàn của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ & Vừa Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ba Ria Vung Tau SME) - Chủ tịch hiệp hội Nhiệm kỳ III: Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh

Tư vấn Luật doanh nghiệp : những vấn đề cần biết về đại hội cổ đông trong công ty cổ phần

Câu hỏi: Thưa Luật sư, đại hội đồng cổ đông có những quyền gì?

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời:

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thẩm quyền của ĐHĐCĐ được quy định cụ thể trong quy định pháp luật và điều lệ công ty.

Luật Doanh nghiệp Khoản 2, điều 135 quy định ĐHĐCĐ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;
b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;
c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;
đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty;
e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;
g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;
h) Xem xét và xử lý các vi phạm của hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;
i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;
k) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và điều lệ công ty.

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời phỏng vấn của Đài PTTH tỉnh BR-VT trong một chương trình tư vấn pháp luật.

Câu hỏi: Thưa Luật sư, những vấn đề gì được thảo luận và thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên?

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời: 

  1. Kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
  2. Báo cáo tài chính hằng năm;
  3. Báo cáo của Hội đồng quản trị về quản trị và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị và từng thành viên Hội đồng quản trị;
  4. Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của công ty, về kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
  5. Báo cáo tự đánh giá kết quả hoạt động của Ban kiểm soát và của từng Kiểm soát viên;
  6.  Mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại;
  7. Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
Luật sư Bùi Thanh Yến tại Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT năm 2019

Câu hỏi: Thưa Luật sư, mỗi năm chỉ tổ chức một cuộc họp thường niên?

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời: Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể có các cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp, thì trong một số trường hợp Hội đồng quản trị bắt buộc phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông khi:

a) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;

b) Số thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật;

c) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này;

d) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty

Câu hỏi: Thưa Luật sư, tại sao gọi là ĐHĐCĐ họp thường niên và ĐHĐCĐ họp bất thường?

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời: Luật doanh nghiệp Điều 136 phân loại cuộc họp ĐHĐCĐ có thể họp thường niên hoặc họp bất thường.

Theo đó, ĐHĐCĐ họp thường niên được tổ chức mỗi năm một lần trên lãnh thổ Việt Nam, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, Phòng đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Trong trường hợp này, Công ty phải công bố thông tin bao gồm cả lý do về việc gia hạn thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ và công văn chấp thuận của Phòng đăng ký kinh doanh cho Sở Giao dịch chứng khoán, đồng thời công bố trên website của công ty.

HĐQT chịu trách nhiệm triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên và ĐHĐCĐ thường niên không được tổ chức bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.
Đối với cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường: Tất cả các cuộc họp ĐHĐCĐ không phải là ĐHĐCĐ họp thường niên được gọi là ĐHĐCĐ họp bất thường. ĐHĐCĐ họp bất thường được triệu tập theo yêu cầu cụ thể của HĐQT/ Ban kiểm soát hoặc của các cổ đông. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, công ty bắt buộc phải triệu tập ĐHĐCĐ họp bất thường nếu:

(i) HĐQT xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;

(ii) số thành viên HĐQT và Ban kiểm soát còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật;

(iii) theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông có sở hữu từ 10% tổng số
cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc tỷ lệ nhỏ
hơn quy định tại điều lệ công ty;

(iv) theo yêu cầu của Ban kiểm soát;

(v) các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

Như vậy trong CTCP hoạt động của ĐHĐCĐ được thể hiện qua các cuộc họp, có thể là họp thường niên mỗi năm một lần và họp bất thường theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty.

Câu hỏi: Thưa luật sư, công ty cổ phần không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông hàng năm được không?

 Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời: 

-Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014 thì đối với công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên mỗi năm một lần trên lãnh thổ Việt Nam và trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. 
-Thời hạn này có thể gia hạn, theo đề nghị của Hội đồng quản trị công ty, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính và phải được Cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận.

– Hội đồng quản trị Công ty chịu trách nhiệm triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên và không được tổ chức bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Câu hỏi: Thưa Luật sư, vậy nếu Công ty cổ phần không họp ĐHĐCĐ thường niên theo Luật định thì sao?

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời: 

+ Đối với Công ty cổ phần có thể bị phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 3 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, như sau:
“Điều 34. Vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn quy định”.

Câu hỏi: Thưa Luật sư, như vậy biện pháp khắc phục hậu quả là gì?

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời: 

Buộc tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
+ Đối với công ty cổ phần đại chúng, có thể bị xử phạt theo quy định Khoản 12 điều 1 Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, như sau:

“Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về quyền của cổ đông, về ứng cử, đề cử, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, về cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị, về triệu tập, tổ chức họp và thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, về giao dịch với người có liên quan hoặc giao dịch với cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, cán bộ quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này”.

Câu hỏi: Tôi được biết công ty phải có người đại diện theo pháp luật. Xin cho biết thế nào là người đại diện theo pháp luật và những lưu ý đối với người đại diện theo pháp luật trong công ty cổ phần là gì?

Luật sư Bùi Thanh Yến trả lời: Theo pháp luật doanh nghiệp, khái niệm người đại diện theo pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

– Về số lượng người đại diện theo pháp luật, khoản 2 Điều 13 LDN cũng quy định Công ty TNHH và Công ty Cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Đối với công ty cổ phần thì về người đại diện theo pháp luật cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  1. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch HĐQT hoặc GĐ/TGĐ là người đại diện theo pháp luật của công ty.
  2. Trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty.
  3. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch HĐQT và GĐ hoặc TGĐ đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Công ty phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp Công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Cám ơn Luật sư. Rất mong Luật sư sẽ tiếp tục cộng tác với Ban biên tập website nhằm tư vấn các quy định của pháp luật đến với các Hội viên doanh nghiệp.

Các hội viên doanh nghiệp có các yêu cầu tư vấn đề nghị gửi về BBT website, Văn phòng Hiệp hội hoặc trực tiếp Luật sư Bùi Thanh Yến.

Trân trọng

Tin chính