Cổng thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa BRVT - Ba Ria Vung Tau SME
Diễn đàn của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ & Vừa Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ba Ria Vung Tau SME) - Chủ tịch hiệp hội Nhiệm kỳ III: Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh

Hiệp hội kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020

(BRVT-SME) Tổng hợp và đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020. Ban thường trực Hiệp hội đã có báo cáo số 16/BC-HHDN ngày 12 tháng 06 năm 2020 về tình hình hoạt động khó khăn của doanh nghiệp gửi Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các Sở ngành liên quan để được quan tâm hỗ trợ tháo gỡ cùng doanh nghiệp.

Trang Website Hiệp hội xin đăng báo cáo để Hội viên Hiệp hội cùng biết nội dung như sau:

Báo cáo tình hình hoạt động khó khăn của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020.

Đặc điểm tình hình kinh tế xã hội trước và trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước và thế giới bị đại dịch Covid – 19 làm tê liệt hoạt động xã hội, trong nước ngưng hoạt động giãn cách xã hội thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020 và làm ảnh hưởng cho đến nay. Từ tháng 5 năm 2020 mặc dù đã bỏ giãn cách xã hội song vẫn phải tạm ngưng giao tiếp với một số vùng bệnh dịch còn lan tỏa ở bên ngoài thế giới.

Đây là nguyên nhân cơ bản trực tiếp làm ngưng trệ hoạt động kinh doanh kinh tế xã hội gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

I/ Những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

– Sản xuất ngưng trệ, giao dịch xã hội bị ngưng giao dịch.

– Hàng hóa bị ách tắc không thông thương được.

– Sản xuất tồn kho gây ứ đọng vốn gây nợ xấu cho doanh nghiệp, tăng chi phí lưu kho bến bãi.

– Các ngành xây dựng công trình ngưng thi công, du lịch, nhà hàng không có khách, bị ế ẩm, hoạt động dịch vụ cung ứng cho sản xuất ngưng trệ phá sản nếu ngừng hoạt động kéo dài thêm 3-4 tháng nữa.

– Doanh nghiệp không hoạt động nên không có nguồn thu nợ lương công nhân, nợ các chi trả thuế, mặt bằng, lãi ngân hàng và các chi phí an sinh hoạt động kinh doanh khác.

– Nhìn chung doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng thiệt hại. mức độ tùy theo qui mô SXKD của doanh nghiệp, dự báo 40% doanh nghiệp bị thua lỗ trong năm 2020. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ngưng trệ khó hồi phục trong năm. Nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và nhân công trong xã hội.

– Các doanh nghiệp có qui mô sản xuất lớn, thị trường xuất nhập khẩu chưa ổn định vẫn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và tình hình ổn định của thế giới.

II/ Những hoạt động của Hiệp hội hỗ trợ Doanh nghiệp Hội viên

Trước tình hình khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, căn cứ vào các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hiệp hội đã cùng đồng hành với doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tuyên truyền hướng dẫn các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ triển khai phổ biến hướng dẫn đến Doanh nghiệp hội viên thông qua các văn bản chuyên đề trong tháng 3 và tháng 4. Tập hợp ngay các vướng mắc kiến nghị của doanh nghiệp báo cáo UBND tỉnh và Ngân hàng cùng Sở ngành liên quan về tình hình doanh nghiệp.

Vận động doanh nghiệp hỗ trợ xã hội, hỗ trợ trong doanh nghiệp ủng hộ phòng chống dịch, tham gia phòng chống dịch tích xã hội tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm Hiệp hội tổ chức kết nạp thêm 9 Doanh nghiệp hội viên mới đó là: Công ty CP Xăng dầu Trung tâm Vũng Tàu; Công ty CP Thương mại Xăng dầu Vũng Tàu; Chi nhánh Công ty TNHH Giáo dục – Đầu tư M.T – Trung tâm đào tạo quản lý M.T.C; Công ty TNHH JANHOLD – OSC; Trường Cao đẳng Quốc tế VABIS; Công ty TNHH Sigen, Công ty Cổ phần tập đoàn Điểm Tựa Vàng; Công ty CP United Partners Solutons (Việt Nam), Chi nhánh Kỹ thuật Viettel Bà Rịa – Vũng Tàu – Tổng công ty CP Công trình Viettel.

A/ Những khó khăn vướng mắc xuất hiện trong 6 tháng đầu năm cần giải quyết

– Nổi bật là những vấn đề vốn tín dụng đã phối hợp với ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh phổ biến công văn 259/BRI-TH,NS&KSNB ngày 11 tháng 03 năm 2020 của Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng dịch Covid – 19.

– Chuyển danh sách các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ, đề xuất đánh giá tiêu chí vay vốn, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

– Tham gia Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giữa Thống đốc ngân hàng nhà nước, UBND tỉnh với doanh nghiệp Hiệp hội ngày 01/06/2020. Chủ tịch Hiệp hội kiến nghị nhiều vấn đề lớn đề nghị tháo gỡ cho doanh nghiệp.

1.Trường hợp doanh nghiệp vay vốn nhập nhận hàng hóa, mua nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh trước dịch bệnh, khi dịch bệnh xảy ra ngưng trệ, hàng hóa ứ đọng không lưu thông và tiêu thụ sản xuất được. Đề nghị khoản vay này vẫn xem như là bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh, ngân hàng xem xét xử lý giãn nợ, khoanh nợ và giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

2. Nợ đến hạn phải trả nhưng doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất kinh doanh không có nguồn thu nên cần được gia hạn khoanh nợ, kéo giãn nợ thêm 6 tháng nữa. Quan tâm đến khoản vay mới để ổn định phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp.

3. Chính phủ, Ngân hàng có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương cho CBCNV và những vấn đề an sinh xã hội khác trong thời gian dịch bệnh đề nghị giảm thủ tục và hỗ trợ cho vay kịp thời thông qua giám sát quản lý đồng tiền đúng mục đích.

B/ Những vấn đề liên quan đến các ngành xem xét xử lý

Những vấn đề thuộc cơ quan thuế, tài chính theo chính sách miễn giảm tiền thuê mặt bằng, tiền thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đề nghị các cơ quan xem xét báo cáo tài chính và kiến nghị thực trạng của từng doanh nghiệp để xử lý gia hạn, miễn giảm theo đúng chủ trương của Chính phủ tránh thủ tục xin cho, rườm rà gây khó cho doanh nghiệp.

Hiện nay Hiệp hội nhận được nhiều kiến nghị trong cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề nêu trên song cụ thể của một số doanh nghiệp còn vướng mắc Hiệp hội xin báo cáo tiếp như sau:

Về lĩnh vực tiền thuê đất mặt bằng.

1. Công ty TNHH JANHOLD – OSC, kiến nghị:

– Xem xét lại việc áp dụng cách tính tiền thuê đất đối với doanh nghiệp theo nguyên tắc hợp đồng đã ký kết.

– Theo đơn giá ổn định 5 năm trước thời kỳ 2015-2019 và ổn định 2020-2024 một lần theo luật định. (những kiến nghị trên doanh nghiệp đã đề nghị nhiều lần chưa được xử lý và thông suốt với cơ quan tài chính, thuế). Vì doanh nghiệp thấy tiền thuê đất tăng đột biến quá sức chịu đựng kinh doanh của doanh nghiệp như áp vào năm 2013-2014 đã tăng gấp 6-7 lần, năm 2015-2019 giá tăng hơn 12 lần so với năm đầu ký hợp đồng, năm 2020 sau 12 năm tăng 30 lần so thời kì 5 năm đầu tiên.

– Hiện nay doanh nghiệp còn nợ tiền thuê đất theo cách tính mới 9.9 tỷ đồng.

– Do dịch bệnh doanh thu giảm 50% nên khoanh nợ tiền thuê đất cho công ty trong năm và miễn giãm, giãn nợ thu nhập doanh nghiệp.

(Có văn bản số 09/CV-JH ngày 04/06/2020)

2. Công ty CP Vũng Tàu Marina, kiến nghị:

– Kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ban ngành tạo điều kiện cấp phép bến thủy nội địa lâu dài cho doanh nghiệp;

– Kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn tất thủ tục giao và cho thuê mặt nước trước bến;

– Kiến nghị chính quyền các cấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động du lịch sông nước qua các đảo Gò Găng, Long Sơn và một số cù lao trên vịnh sông Dinh;

– Kiến nghị tháo gỡ các rào cản pháp lý của Bộ Giao thông vận tải đang cản trở phát triển tàu thuyền PPC.

  (Có văn bản số 04CV-VSC ngày 27/05/2020)

3. Công ty TNHH Hồng Vân, kiến nghị:

 Xin miễn giảm tiền thuê đất mặt bằng chợ phường 8 cho doanh nghiệp từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2020 do bị ngưng hoạt động không có doanh thu.

(Có văn bản số 50/HV ngày 04/04/2020)

4. Công ty CP Thương Mại Tổng hợp Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kiến nghị:

Xin được giãn thời gian nộp thuế mới phát sinh, không phạt nợ thuế thời gian phải đóng trong kì bệnh dịch do không có doanh thu và việc thanh toán tiêu thụ cùng hạng mục vốn ngân sách Nhà nước trả cho Công ty chậm nên không có nguồn thu kịp thời đóng thuế, kể cả mức phạt khoản đóng bảo hiểm xã hội chậm của Công ty.

(Có văn bản số 62/GTC ngày 06/04/2020)

5. Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam, kiến nghị:

Miễn nộp tiền thuê mặt bằng khu chợ Du lịch Bãi Sau do chợ ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19 từ tháng 02 đến tháng 5 năm 2020.

III/ Những kiến nghị của doanh nghiệp tập trung vào các vấn đề

Tóm lại những vướng mắc trong 6 tháng của doanh nghiệp tập trung kiến nghị xử lý là miễn giảm giãn nợ tiền thuê đất, mặt bằng của doanh nghiệp với Nhà nước.

– Đề nghị xem xét miễn giảm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân theo chủ trương chung của Chính phủ với doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở báo cáo tài chính tình hình đặc thù riêng của doanh nghiệp trước cơ quan quản lý thuế được kịp thời, đơn giản về thủ tục thanh quyết toán và tránh bị phạt do chưa kịp thời và chậm nộp.

– Với nhóm vấn đề tín dụng ngân hàng đã được kết nối xử lý theo tinh thần của cuộc gặp gỡ ngày 01/06/2020 giữa doanh nghiệp với Ngân hàng nhà nước và UBND tỉnh.

Trên đây là báo cáo tổng hợp hoạt động và tình hình vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp với UBND tỉnh, các Sở ban ngành Tài chính, Thuế, Ngân hàng, Kế hoạch và Đầu tư và Tài nguyên và môi trường liên quan.                                                                                                                                                                                                              VPHH

 

Tin chính