Cổng thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa BRVT - Ba Ria Vung Tau SME
Diễn đàn của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ & Vừa Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ba Ria Vung Tau SME) - Chủ tịch hiệp hội: Ông Lê Văn Kháng, Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới

Công ty cổ phần Thành Đại Phú Mỹ – Xử lý chất thải vì bảo vệ môi trường

Tại Hội thảo tuyên truyền pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm do Bộ Công an tổ chức tại Bình Dương ngày 30/5/2018 vừa qua, bài tham luận của Công ty Cổ phần Thành Đại Phú Mỹ là đại diện duy nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại Hội thảo và được đăng trong kỷ yếu của Hội thảo. BRVT-SME trích đăng tham luận này:

CÔNG TÁC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN NHÀ MÁY SẢN XUẤT PHỤ GIA XI MĂNG, BỘT TỪ VÀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỪ TÁI CHẾ XỈ THÉP VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Ngành công nghiệp thép nở rộ

Ngành thép là một trong những ngành cốt lõi của công nghiệp Việt Nam, góp phần to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế – xã hội đất nước. Hiện nay cả nước có trên 800 doanh nghiệp sản xuất thép, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 44 ngàn tấn/ năm. Các doanh nghiệp sản xuất thép có mặt tại 32 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các nhà máy sản xuất có công suất lớn tập trung tại tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Theo tính toán của các chuyên gia môi trường, với công suất 17 triệu tấn thép năm 2016, ngành thép thải ra khoảng 0,17 triệu tấn bụi, hàng tỷ m3 khí thải, trên 10 triệu tấn chất thải công nghiệp thông thường, hàng tỷ m3 nước thải với nhiều loại hóa chất độc hại như phenol, xyanua, amonia, dầu, kim loại nặng và một số chất hữu cơ khác; hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại bao gồm bụi lò luyện thép, dầu thải, axit thải… nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Điều đó cho thấy, vấn đề xử lý chất thải của ngành công nghiệp sản xuất thép là vấn đề hết sức quan trọng, trong đó vấn đề quản lý, xử lý chất thải công nghiệp của ngành thép đã có thời điểm trở thành vấn đề nóng ở nhiều địa phương, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân và những trăn trở đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng như chính quyền của nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

(Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh BR-VT tìm hiểu về sản phẩm của Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ. Ảnh: BRVT-SME)

Ngành thép tại BR-VT, cẩn trọng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 11 nhà máy sản xuất thép, với công suất thiết kế trên 6 triệu tấn/ năm. Như vậy, mỗi năm các nhà máy thép tại đây sẽ thải ra khoảng 1 triệu tấn xỉ thép, hàng trăm ngàn tấn vảy ô xít. Bên cạnh đó là một lượng tạp chất được tách ra từ phế liệu rất lớn. Phế liệu được thu gom từ các nguồn trong nước trong đó có cả bom mìn do chiến tranh để lại, các loại phế liệu dính dầu, sơn chưa được làm sạch; các loại máy móc thiết bị cũ, thải bỏ; các loại chất thải công nghiệp khác, trong đó có cả chất thải nguy hại. Các nguồn phế liệu nhập khẩu từ Mỹ, Nam Mỹ, Hàn Quốc… Nếu không được quản lý chặt chẽ, hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thép sẽ có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi thải công nghiệp khổng lồ của thế giới. Thực tế, đã có thời điểm trong các nhà máy thép tồn tại những bãi thải (là xỉ luyện thép) to như núi. Chất thải là tạp chất tách ra từ phế liệu sắt thép thì được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực chuyên môn và công nghệ để xử lý. Nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động thu gom chất thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất thép, lọc lựa lấy những phần kim loại sót lại, sau đó chuyển số chất thải còn lại san lấp mặt bằng hoặc đổ thải trái phép.

Thực tiễn cho thấy nhu cầu xử lý chất thải của các nhà máy luyện thép hết sức cấp thiết, phần lớp chất thải là xỉ luyện thép và tạp chất tách ra từ phế liệu. Trong khi đó, năng lực của các đơn vị xử lý chất thải hiện có không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

(ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thành Đại Phú Mỹ giới thiệu sản phẩm đến ông Bùi Ngọc Diệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa tỉnh BR-VT. ảnh : BRVT-SME)

Quá trình phát triển và công tác bảo vệ môi trường của nhà máy sản xuất phụ gia xi măng, bột từ và vật liệu xây dựng từ tái chế xỉ thép Thành Đại Phú Mỹ

Trước thực trạng phát sinh chất thải rắn của ngành công nghiệp sản xuất thép, trước yêu cầu mang tính tất yếu của công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thành Đại Phú Mỹ đã nhận thấy những thách thức trong công tác quản lý chất thải công nghiệp sản xuất thép và “Dự án xử lý chất thải của ngành công nghiệp sản xuất thép” được Công ty nghiên cứu, xúc tiến đầu tư một cách nghiêm túc, có kế hoạch và chiến lược cụ thể.

Ngày 6/6/2014, Dự án “nhà máy sản xuất phụ gia xi măng, bọt từ và vật liệu xây dựng từ tái chế xỉ thép” được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua và chấp thuật đầu tư. Với mục tiêu đầu tư một dự án xử lý chất thải rắn thông thường từ nguồn thải của các nhà máy luyện thép một cách triệt để, tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hữu ích và có giá trị cao làm nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp khác; góp phần giảm thiểu khai thách nguồn tài nguyên khoáng sản tự nhiên ngày một cạn kiệt. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và đầu tư tối đa vào dây chuyền công nghiệp xử lý xỉ thép và tạp chất tách ra từ phế liệu, là nguồn thải của công nghiệp luyện thép.

Chúng tôi tự hào là đơn vị đầu tiên thực hiện đầy đủ các quy định của Chính phủ khi xây dựng nhà máy xử lý xỉ thép và tạp chất tách từ phế liệu của công nghiệp sản xuất thép. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Thành Đại Phú Mỹ đối với dự án này được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt với công suất 1.946,3 tấn/ ngày. Công ty có đầy đủ hệ thống thiết bị xử lý, phương tiện vận chuyển phục vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Công ty có đầy đủ công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thành Đại Phú Mỹ từ một doanh nghiệp nhỏ cho tới nay đã trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh, luôn tiên phong, đi đầu trên toàn quốc trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải rắn thông thường của ngành luyện, cán thép. Giai đoạn 1 của dự án được hoàn thành và bắt đầu hoạt động xử lý chất thải công nghiệp trong ngành luyện, cán thép. Từ tháng 8/2015 đến nay, Nhà máy đã kiện toàn toàn bộ các hạng mục đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, theo hướng thân thiện với môi trường. Tính đến hết quý I năm 2018, công ty đã tiếp nhận và xử lý được trên 800 ngàn tấn xỉ luyện thép, khoảng 25 ngàn tấn tạp chất tách từ phế liệu. Nhà máy đã và đang góp phần không nhỏ vào công tác xử lý chất thải rắn thông thường của ngành luyện thép, là bạn hàng và là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp sản xuất thép lớn trên toàn quốc. Đặc biệt, với mục tiêu xuyên suốt đã nêu trên, Nhà máy không ngần ngại đầu tư vào việc nâng cấp các giải pháp công nghệ cao và áp dụng các quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14001:2010/ISO 14001/2004/Cor.1:2009 và ISO 9001: 2008 cũng như tuyệt đối tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường hiện hành. Đến nay, trên 85% sản phẩm sau xử lý của nhà máy là phụ gia xi măng và được cung cấp cho hàng chục nhà máy xi măng trên toàn quốc. Trên 12% sản phẩm làm vật liệu xây dựng, thay thế đá tự nhiên, được xuất cho các dự án trong các KCN của tỉnh. Tỷ lệ sản phẩm còn lại được cấp làm nguyên liệu cho các ngành nghề khác, trong đó có cả ngành luyện thép. Cùng với việc thu gom, xử lý lượng lớn chất thải của ngành công nghiệp sản xuất thép, góp phần bảo vệ môi trường trong lành, nhà máy còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định.

Đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh

Thành Đại Phú Mỹ luôn lấy mục tiêu chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nên chúng tôi đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị nhằm xử lý triệt để các nguồn chất thải được tiếp nhận, đảm bảo chất thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn đưa vào sử dụng trong môi trường tự nhiên hoặc tiêu chuẩn nguồn nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp khác. Do vậy, chi phí cho hoạt động xử lý chất thải rất cao. Trong khi đó, các đơn vị cùng lĩnh vực lại đầu tư máy móc công nghệ đơn giản, chỉ nhằm mục đích tách lọc kim loại tồn dư trong chất thải ra bán là chính, phần chất thải còn lại được chuyển cho đơn vị thứ 3 mang đi san lấp hoặc đổ thải trái phép. Vì vậy, Công ty luôn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh khi chào giá xử lý chất thải cho các nhà máy thép.

(Chất thải từ nhà máy thép được sử dụng làm vật liệu san lấp tại một công trình đang xây dựng ngay trong KCN Phú Mỹ giống y hệt với nguyên liệu đầu vào của cty CP Thành Đại Phú Mỹ, nghĩa là chất thải này cơ bản chưa được xử lý. Ảnh: BRVT-SME)

Thiếu tính đồng bộ, khó áp dụng về văn bản quy phạm pháp luật

Tại điều 29, nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định: “Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại; việc phân định phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu, kỹ thuật và quản lý theo quy định”. Tuy nhiên đến nay khi đã áp dụng thực hiện nghị định trên 2 năm nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể về yêu cầu, kỹ thuật và quản lý cụ thể trong việc phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường. Tại điều 31 nghị định này quy định “Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đảm bảo không được rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi nước rò rỉ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định” nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể mặc dù chế tài xử lý hành vi vi phạm này đã được quy định tại điều 20 nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nhiều đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại cũng lợi dụng Nghị định này để hoạt động thương mại đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, trong khi các đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn công nghiệp lại chật vật tìm kiếm nguồn nguyên liệu do bị đội giá và bị cạnh tranh không lành mạnh do quy định của pháp luật không rõ ràng. Mặc dù lực lượng cảnh sát môi trường và Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiệu và xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm trong việc chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho tổ chức cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế, vẫn dễ nhận thấy còn một số đơn vị chưa chấp hành và quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Khó tiếp cận nguồn vốn bảo vệ môi trường

Việc tiếp cận với nguồn vốn đầu tư của các Quỹ bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia còn rất khó khăn. Chủ trương của nhà nước, của Chính phủ là hỗ trợ cho doanh nghiệp xử lý chất thải được vay nguồn vốn ưu đãi nhưng cơ chế quản lý cho vay quá khó khăn khiến cho rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Vì thế, hiệu quả hoạt động cấp vốn của các quỹ này không cao. Trong khi đó, doanh nghiệp nếu không có nguồn lực tài chính mạnh, bắt buộc phải vay vốn với lãi suất cao.

Những kiến nghị tâm huyết

Một là, các cơ quan, lực lượng chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biết quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để các tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực hoạt động của mình, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động sản xuất thép.

Mục đích của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường là nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong mọi tầng lớp nhân dân, để hoạt động phòng ngừa vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và trong lĩnh vực sản xuất thép nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, của lực lượng công an mà là việc làm thường xuyên, là “thói quen” của mọi công dân trong đời sống thường ngày, nhằm bảo vệ chính cuộc sống, sức khỏe của mình và người thân. Tuyên truyền để các chủ nguồn thải hiểu và thực hiện việc ký kết hợp đồng và chuyển giao trực tiếp chất thải cho các đơn vị có năng lực xử lý thật sự. Loại bỏ hoàn toàn việc “đại lý, môi giới” chất thải nhằm mục đích kiểm soát và khép kín việc chuyển giao – tiếp nhận xử lý chất thải.

Hai là, các đơn vị quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá lại năng lực xử lý của tất cả các đơn vị xử lý chất thải nói chung, trong đó có các doanh nghiệp xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Cần phải có chế tài nặng như đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị không đủ năng lực hoặc những doanh nghiệp có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại nhưng cho mượn, cho thuê giấy phép để các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường, nhằm đảm bảo công tác xử lý chất thải được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Ba là, các cơ quan như thanh tra môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động chuyển giao chất thải cho các đơn vị không đủ điều kiện xử lý chất thải của các chủ nguồn thải. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe, giáo dục đối với các đối tượng khác. Khi xử lý vi phạm cần thông báo rộng rãi để đông đảo doanh nghiệp biết được, rút kinh nghiệm khi nghiên cứu, lựa chọn đối tác.

Bốn là, các cơ quan chuyên môi và chính quyền các địa phương có doanh nghiệp xử lý chất thải cần rà soát các quy định, cơ chế quản lý nguồn vốn của các Quỹ bảo vệ môi trường và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. Có như thế, công tác đầu tư cho lĩnh vực xử lý chất thải, bảo vệ môi trường sẽ được làm tốt hơn. Mặt khác, các Quỹ bảo vệ môi trường cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích đề ra.

Năm là, đề nghị Bộ Xây dựng, viện khoa học và vật liệu và các cơ quan hữu quan khác kết hợp chặt chẽ với các đơn vị xử lý, tái chế xỉ luyện gang, luyện thép để nghiên cứu đưa ra những quy chuẩn cho loại sản phẩm xỉ tái chế từ xỉ luyện kim và kết hợp với các cơ quan chức năng ban hành biểu giá cho sản phẩm này được phục vụ sâu rộng trong hoạt động xây dựng, nhằm sớm đưa các sản phẩm tái chế thực sự đi vào đời sống xã hội ./.

(Từ xỉ thép và các chất thải rắn khác, Cty CP Thành Đại Phú Mỹ đã xử lý 100% thành các sản phẩm phụ gia cho ngành sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thay thế đá viên và làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác. Ảnh BRVT-SME)

Tin chính