Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một tổ chức liên kết doanh nghiệp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Những lưu ý về Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần theo luật doanh nghiệp năm 2020
(BRVT-SME) THÔNG TIN PHÁP LUẬT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP – DOANH NHÂN
Mục thông tin pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, giới thiệu bài viết của Luật sư Bùi Thanh Yến – Phó Ban Tư vấn – Pháp chế thuộc Hiệp hội tổng hợp các thông tin pháp luật sau đây.
NHỮNG LƯU Ý VỀ CUỘC HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN THEO LUẬT DOANH NGHIỆP NĂM 2020.
Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, có quy định một số điểm mới liên quan đến Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần cần lưu ý sau đây:
1. Quy định về tổ chức họp ĐHĐCĐ hàng năm của Công ty cổ phần.
– Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 139 Luật DN 2020, đối với Công ty cổ phần, ĐHĐCĐ phải họp thường niên mỗi năm một lần, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Địa điểm họp là nơi chủ tọa tham dự họp và phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.
– Thời hạn trên có thể gia hạn, do HĐQT công ty quyết định trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp Điều lệ Công ty có quy định khác, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
– HĐQT Công ty có thẩm quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên và bất thường.
Trường hợp CTCP không tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên theo Luật định.
– Trừ trường hợp Điều lệ Công ty có quy định khác, trong trường hợp HĐQT hoặc Ban Kiểm soát không triệu tập họp ĐHĐCĐ theo quy định thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho Công ty.
– Đồng thời, CTCP có thể bị phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 3 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, như sau:
“Điều 34.Vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên trong thời hạn quy định”.
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên theo quy định đối với hành vi vi phạm Điểm a Khoản 1 Điều 34.
2. Luật mới sửa quy định về Danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ hàng năm của CTCP, được lập không quá 10 ngày (Luật DN 2014 quy định là 05 ngày) trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hơn. (Khoản 1 Điều 141 Luật DN 2020).
3. Việc ủy quyền cho người khác dự họp ĐHĐCĐ. Luật mới bỏ quy định việc ủy quyền phải lập theo mẫu do Công ty phát hành. Theo quy định mới “Việc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản. Văn bản ủy quyền được lập theo quy định của pháp luật về dân sự và phải nêu rõ tên cá nhân, tổ chức được ủy quyền và số lượng cổ phần được ủy quyền…”(Khoản 2 Điều 144 Luật DN 2020).
4. Điều kiện tiến hành họp cổ đông và thông qua Nghị quyết ĐHCĐ. Điều chỉnh tỷ lệ “từ 51% trở lên” xuống còn “trên 50%” đối với tỷ lệ cổ đông dự họp để đủ điều kiện tổ chức cuộc họp và tỷ lệ cổ đông dự họp để thông qua Nghị quyết của ĐHCĐ với một số nội dung thông thường và lấy ý kiến bằng văn bản. (Điều 148 Luật DN 2020).
5. Gửi nghị quyết ĐHCĐ trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản. Bổ sung quy định Nghị quyết cuộc họp ĐHCĐ (cùng với biên bản kiểm phiếu) trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản phải được gửi đến cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm phiếu.(Khoản 6 Điều 149 Luật DN 2020).
6. Biên bản họp ĐHCĐ. Bổ sung quy định “Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp.” (điểm i) Khoản 1 Điều 150 Luật DN 2020).
Thạc sĩ, Luật sư Bùi Thanh Yến
Giám đốc Công ty Luật Tư vấn Doanh nghiệp B.T.Y
Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh BR- VT