Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một tổ chức liên kết doanh nghiệp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Họp với Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh BR-VT kiến nghị nhiều vấn đề cấp thiết
Trong khuôn khổ buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh BR-VT đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, cấp thiết đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời điểm khó khăn.
(BRVT-SME)Chiều 6/7/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SME) về tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vừa qua, tình hình kinh tế-xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt, đi cùng với đó có cả khó khăn, trong đó có liên quan hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; khẳng định Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn đồng hành cùng Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ; nêu rõ, tình hình trong nước bên cạnh thuận lợi thì cũng có khó khăn, thách thức; do đó chúng ta phải đồng hành để vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần “đồng hành thật”, “làm đến nơi đến chốn”.
Các doanh nghiệp hôm nay đều mong muốn đóng góp cho phát triển đất nước. Hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên cho tăng trưởng vì đã kiểm soát được lạm phát, tập trung 3 động lực là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Vừa qua, vướng mắc gì, ở đâu thì các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan để tháo gỡ với tinh thần có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng đề nghị tinh thần làm việc khẩn trương, đi thẳng vào vấn đề, lắng nghe ý kiến, góp ý cho nhau, phải ra được sản phẩm “cân, đong, đo, đếm”, làm ra nhiều của cải vật chất cho nhân dân.
Tham gia và phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh BR-VT đánh giá rất cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong những năm gần đây. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (Quỹ BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Triêm, các Nghị quyết, Nghị định này thật sự chưa đi vào cuộc sống, chưa có tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Mới đây nhất, Thủ tướng ban hành Quyết định số 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đây là một quyết định để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc hỗ trợ pháp lý và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Ông Triêm mong rằng các bộ ngành các địa phương cố gắng để kích hoạt quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không sẽ trở lại giống các nghị định khác, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ không được hưởng lợi gì thì các từ các chính sách của thủ tướng cũng như của Chính phủ.
Một vấn đề khác ông Triêm đề nghị là Ngân hàng nên giảm lãi suất lại vì Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Khi cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn đang gặp khó khăn thì ngân hàng là doanh nghiệp nhưng lại báo lãi hàng ngàn tỷ đồng. Ông Triêm nghĩ đó là sự không công bằng với sự cạnh tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Vấn đề thứ ba ông Triêm đề nghị là Thủ tướng kích hoạt lại với các địa phương về việc thành lập và vận hành Quỹ bảo lãnh tín dụng. Quỹ chính là nguồn xát thực tế nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi vì nhiều doanh nghiệp không có tài sản nhưng nếu họ có những hoạt động có lợi trong tương lai cho doanh nghiệp, có lợi cho địa phương, có lợi cho xã hội thì nên có cơ hội được vay vốn để phát triển. Các địa phương nên vận hành Quỹ này, không phải vì sợ rủi ro, sợ doanh nghiệp khó khăn mà bỏ đi hình thức Quỹ có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp như vậy. Quy định về thành lập Quỹ đã có từ nhiều năm nhưng đa số các tỉnh thành không thực hiện được. Ông Triêm mong muốn là trong lúc khó khăn như thế này nên vận hành lại Quỹ vì đây là việc làm thiết thực nhất cho doanh nghiệp.
Vấn đề thứ 4 ông Triêm đề nghị là vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo khởi công nhiều tuyến giao thông lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và 4 tuyến cao tốc. Nhân dịp này cũng khánh thành hai đường cao tốc ở Nha Trang và Phan Thiết. Ông Triêm đề nghị Thủ tướng, cũng giống như đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đề xuất: Dành 30% khối lượng công việc của các dự án giao thông lớn, đặc biệt là các dự án mới khởi công, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Triêm tính toán rằng với sự hợp lực thì cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ sức để thực hiện các khối lượng công việc nếu được Thủ tướng giao. Chính 30% khối lượng công việc này sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động của khối cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa và tạo sức bật trong lúc khó khăn này cho cộng đồng doanh nghiệp. Ở đây, chuỗi liên kết trong ngành xây dựng sẽ là ngành chủ lực trong việc thực hiện các dự án.
Một vấn đề khác ông Triêm đề nghị là Chính phủ nên có một cơ chế về Trụ sở, Văn phòng làm việc của các Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương. Trụ sở làm việc chính là nơi để chứng minh hiệp hội có làm việc tốt hay không, vì vậy nên có cơ chế ưu tiên. Tuy nhiên hiện nay văn phòng hiệp hội từ trung ương đến tỉnh thành đều chưa có. Như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh BR-VT cũng đã kiến nghị UBND tỉnh và được sự ủng hộ của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng về cơ chế chưa nõ nên tỉnh đang nghiên cứu thêm.
Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông tin từ buổi làm việc, hiện nay, đơn hàng sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao, điện vừa tăng giá (hiện tượng cắt điện ở một tỉnh phía bắc tạo nên tâm lý bất ổn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất), khó tiếp cận vốn… rất nhiều thách thức khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sản xuất.
Điều đáng lo ngại là những khó khăn hiện nay hoàn toàn có thể khiến doanh nghiệp gục ngã trước khi có cơ hội phục hồi. Điều nguy hiểm hơn nữa là khi doanh nghiệp “gục ngã” thì người lao động sẽ không có việc làm và thu nhập, đây là vấn đề an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội kiến nghị: nhu cầu vay vốn đang nóng lên từng ngày và là vấn đề cấp thiết, rất cần được giải quyết ngay để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh như mua thiết bị máy móc, bổ sung vốn lưu động và các lĩnh vực đầu tư khác của doanh nghiệp; kiến nghị thành lập ngay ở Trung ương Tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Tài chính làm Tổ phó, các thành viên là đại diện các bộ, ngành, tổ chức đại diện doanh nghiệp Trung ương và một số chuyên gia về kinh tế và pháp luật. Rà soát loại bỏ ngay một số quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp, lệch nhịp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư công để nhanh chóng tạo cầu cho thị trường nội địa để bù đắp sự sụt giảm của thị trường thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa về các hoạt động đã triển khai trong thời gian qua. Báo cáo đã nêu rõ những thách thức mà doanh nghiệp SME đang phải đối mặt, bao gồm tình trạng khó khăn về vốn, khả năng cạnh tranh kém, quy trình hành chính phức tạp, và thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Đặc biệt, tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện sự quan tâm và cam kết của Chính phủ đối với sự phát triển của doanh nghiệp SME. Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho SME phát triển bền vững, góp phần vào nền kinh tế quốc gia.
hủ tướng cũng giao Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tìm ra các giải pháp cụ thể và thực hiện những cải tiến nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của SME.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường cải cách hành chính, giảm bớt quy định phi lý và tăng tính minh bạch trong quy trình thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục và đào tạo trong đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp SME.
(BRVT-SME tổng hợp)