Cổng thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa BRVT - Ba Ria Vung Tau SME
Diễn đàn của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhỏ & Vừa Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ba Ria Vung Tau SME) - Chủ tịch hiệp hội Nhiệm kỳ III: Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh

“Chuẩn hóa” lao động nghề biển

 

(SME-BRVT)

Ngư dân phường 5, TP.Vũng Tàu sắp xếp cá sau chuyến ra khơi. Ảnh: QUANG VINH

LÀM CHỦ THIẾT BỊ HIỆN ĐẠI

Sau khi học xong khóa đào tạo thuyền trưởng, mỗi chuyến ra khơi anh Nguyễn Tấn Văn (ấp Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) tự tin hơn vì được trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức xử lý các tình huống trên biển. Theo anh Văn, suốt 30 năm gắn bó với nghề biển mọi kỹ năng từ đánh bắt, cách vận hành phương tiện khai thác, xử lý khi tàu gặp sự cố… anh đều dựa vào kinh nghiệm. Năm 2016, anh Văn tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá. Khóa học giúp anh có kiến thức để áp dụng hiệu quả hơn cho mỗi chuyến ra khơi.

Thực tế, các khóa học đã giúp bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt, vận hành phương tiện đánh bắt, từng bước phát triển ngành nghề khai thác hải sản. Ngư dân sau khi trải qua đào tạo đã biết làm chủ trang thiết bị hiện đại trên tàu, tiết kiệm chi phí tiêu hao nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt trên biển nhờ nắm vững các kỹ thuật bảo quản thủy sản… Anh Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, khi ngư trường đánh bắt được mở rộng, tàu to, máy công suất lớn và các thiết bị hiện đại hơn khiến anh gặp không ít lúng túng. Khi có sự cố, nhiều khi anh cùng các anh em trên tàu không thể xử lý được và phải nhờ các tàu đánh bắt gần tới hỗ trợ. Còn sau khi tham gia lớp học thuyền trưởng, máy trưởng năm 2016, anh cùng các ngư dân khác được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng nên có thể tự xử lý được hầu hết các sự cố trên biển.

 

Tàu cá của ngư dân TP. Vũng Tàu ra khơi. Ảnh: TUYẾT MAI

TỪNG BƯỚC CHUẨN HÓA LAO ĐỘNG

 

BR-VT cùng với cả nước đang hướng tới việc hiện đại hóa lĩnh vực khai thác thủy sản. Để làm được điều này trước hết phải từng bước chuẩn hóa đội ngũ lao động trên biển. Ông Vũ Văn Sơn (phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, gia đình ông đang có 4 chiếc tàu cá với 4 thuyền trưởng, máy trưởng và mỗi tàu có 6 thuyền viên làm việc. Từ khi tỉnh triển khai chương trình đào tạo nghề cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên, ông Sơn đã tạo điều kiện tối đa cho các lao động hoàn thành khóa học. “Khi làm việc trên biển thời tiết bất thường và các tình huống sẽ xảy ra bất ngờ dẫn tới các lao động phải có kỹ năng ứng phó kịp thời. Vì thế, tranh thủ mỗi chuyến ghe vào bờ, tôi luôn động viên, khuyến khích thuyền viên học tập để nâng cao tay nghề. Thực tế, sau khi được qua đào tạo, anh em nắm vững kiến thức, biết cách xử lý khi gặp sóng gió và vững nghề hơn. Nhiều anh em được nâng cao hiểu biết, xử lý tốt tình huống và bảo đảm an toàn cho phương tiện cũng như những lao động làm việc trên tàu”, ông Sơn cho biết thêm.

Cũng là chủ 4 đôi tàu với hơn 50 lao động thường xuyên làm việc trên biển, ông Nguyễn Văn Bảo (ấp Phước Thuận, xã Phước Tỉnh) cho biết, từ khi các thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên được đào tạo bài bản, mỗi chuyến tàu ra khơi ông cảm thấy yên tâm hơn. Theo ông Bảo: “Với tính chất bắt buộc của công việc, anh em đều tự giác đăng ký học để có kiến thức vận hành các máy móc, thiết bị hàng hải hiện đại trên tàu. Tôi nghĩ, trong điều kiện đánh bắt thủy sản ngày càng phát triển thì việc đào tạo nghề cho ngư dân hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giúp chủ ghe và các lao động tránh được rủi ro mà còn góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên biển”.

Ngư dân chuyển hải sản xuống cảng INCOMAP, phường 5, TP.Vũng Tàu. Ảnh: QUANG VINH

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến thời điểm này, BR-VT có 6.279 tàu, thuyền tham gia hoạt động khai thác, thu mua thủy hải sản. Trong đó, có 3.116 chiếc tàu cá công suất từ 90 CV trở lên khai thác hải sản xa bờ. Hiện 100% thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên làm việc trên tàu đều được qua đào tạo và cấp chứng chỉ. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, từ năm 2008 tới nay, BR-VT đã triển khai chương trình đào tạo cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên. Hàng năm, có khoảng 300 lao động được đào tạo. Ông Hoàng cho biết: Trước đây, ngư dân của BR-VT chỉ chạy tàu có công suất từ 90CV đến 350CV, còn hiện nay, với chủ trương đóng tàu vỏ thép từ 500CV trở lên với các trang thiết bị hiện đại nên bắt buộc trình độ của lao động phải nâng lên. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi các địa phương, thống kê lại nhu cầu của lao động về tham gia khóa học để phối hợp cùng với các ngành chức năng, các trường, trung tâm sắp xếp tổ chức lớp học phù hợp cho từng đối tượng lao động. Điều này không chỉ giúp lao động hợp thức hóa giấy tờ, các yếu tố pháp lý cần thiết khi ra khơi, mà còn giúp họ nắm vững kiến thức, thao tác nghề tốt hơn”.

Năm 2018, Chi cục Thủy sản tỉnh dự kiến sẽ tổ chức đào tạo cho khoảng 80 lao động là thuyền trưởng, máy trưởng thuộc các tàu công suất lớn. Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ phối hợp với các trường ĐH, CĐ Thủy sản và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá… tổ chức lớp đào tạo cho các ngư dân vào thời điểm cuối năm khi kết thúc mùa đánh bắt hải sản. Theo giáo trình giảng dạy, ngư dân được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; phương pháp cứu hộ, cứu nạn trên biển; bảo quản hải sản an toàn. Ngư dân cũng sẽ được cung kiến thức cơ bản về pháp luật liên quan đến ngư trường, quy định về hoạt động đánh bắt, vùng đánh bắt…

(Ông Nguyễn Hữu Thành,
Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh)

ĐÔNG TRÚC

Tin chính